Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Chức năng và ý nghĩa của văn hóa kiến trúc kiểu nhà ở các dân tộc ở Việt Nam



Chương III: Chức năng và ý nghĩa của văn hóa kiến trúc kiểu nhà ở các dân tộc ở Việt Nam

Ý nghĩa

Từ xưa đến nay các buôn làng đều được quản lý bằng một hội đồng già làng, đứng đầu là chủ làng, chủ làng thường là chủ của ngôi nhà to lớn nhất trong làng, hay các ngôi nhà truyền thống.
Với nhà rông, như ở vùng Tây Nguyên, họ bàn bạc với nhau và thi hành những phong tục của cộng đồng, vì thế nhà rông là nơi phân xử các thành viên cộng đồng vi phạm luật tục của làng. Nhà rông còn là nơi dân làng đến đó trong những ngày quan trọng của cuộc đời để già làng, cộng đồng già làng và dân làng chứng nhận hành vi sinh hoạt của mình là đúng với luật tục của làng. Lễ cúng yàng khi đặt tên, lễ thổi tai khi hết tuổi vị thành niên, tổ chức cưới xin và khi đến cuối cuộc đời.
Với nhà sàn, những chiếc nhà sàn rất rộng, chắc khoẻ, có thể chứa đến cả trăm người ở cùng lúc trên sàn, dễ dàng cho việc tổ chức các nghi thức vòng đời quan trọng như lễ cưới xin, ma chay và các lễ nghi truyền thống khác.
Với nhà dài, đại biểu như người Chơ ro có hình thức đại gia đình gồm nhiều thế hệ, chung sống trong một nhà dài, mỗi cặp vợ chồng sau khi lấy nhau, họ lại nối phía sau căn nhà dài thêm một, hai gian cho gia đình mới. Mỗi gia đình lớn thường có một ông đầu nhang để phụ trách việc nghi thức, nghi lễ cũng như quyết định các công việc chung, khi ông đầu nhang mất thì con trai trưởng sẽ thay thế.
Bên cạnh đó, không chỉ là nơi tập trung tổ chức lễ hội, thể hiện cho phong tục của dân tộc, mà bản thân kiến trúc của một số loại nhà cũng thể hiện tinh thần, nhận thức của họ.
Kích thước ngôi nhà sàn dân tộc Mường thể hiện sự giàu có, địa vị xã hội của chủ nhân. Chủ yếu chia theo 4 cấp vị Lang, Ậu, Tạo, Nõ. Theo đó, các ngôi nhà này đều có những đặc trưng riêng để phân biệt với các nhà khác trong làng bản. Nhà lang là nhà dành cho tầng lớp cao nhất, nó thể hiện cho quyền lực, sự giàu có, ấm no.
nơi trang trọng nhất dành chỉ dành cho những vị khách quý, khách từ phương xa đến. Hay cả trong việc xây dựng chúng của biển hiện nên tinh thần của các dân tộc. 
Việc dựng nhà của người Mường đòi hỏi nhiều công đoạn, nhiều sức lực nên họ có phong tục giúp đỡ nhau. Người giúp gỗ, người giúp công, giúp sức trong việc làm nhà của người Mường như đóng góp nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm và ngày công đã thể hiện sự quan tâm chung của cả bản làng, tinh thần “tương thân tương ái”, đoàn kết cộng đồng sâu sắc.
Ngôi nhà truyền thống của dân Việt có xuất phát từ nông nghiệp, gia chủ luôn xem trọng tình làng nghĩa xóm, quý mến khách viếng thăm. Khu vực tiếp khách trong ngôi nhà xưa luôn là nơi bày biện trang trọng nhất.
Đặc biệt ở nhà dài Ê-đê có hai cầu thang: Đực và Cái. Cầu thang Cái đặt ở trước nhà dùng cho khách và đàn ông, con trai. Cầu thang Đực nằm khuất phía sau nhà dùng cho đàn bà, con gái. Điều lưu ý, là các bậc thang luôn lấy số lẻ, từ năm đến bảy bậc. Người Ê-đê tin rằng, số chẵn là số của ma quỷ, còn số lẻ mới là số của người. Nếu có trường hợp nhà dài nào đó, cầu thang Cái bị lật ngược lại thì phải hiểu rằng, gia đình đó có chuyện buồn phiền và không muốn tiếp khách.
Ngôi nhà với chức năng chính phục vụ cho nhu cầu ở của con người, mà trong những gia đoạn khác nhau, bản thân nó còn phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, tạo nên ý nghĩa riêng của mình trong những giai đoạn đặc thù ấy. Như trong thời chiến tranh, ngoài là nơi tập trung bàn bạn ý kiến của cả làng, mà con nơi ở của bộ đội, hay bàn bạc các hướng chiến đấu.
Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, nhà rông là nơi bàn bạc việc quân, vạch sơ đồ tác chiến, tập hợp dân quân bảo vệ buôn làng. Khi chiến thắng giặc, nhà rông là nơi tụ họp dân làng để ăn mừng chiến thắng, đồng thời cổ vũ con cháu tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần vào thắng lợi chung qua các thời kỳ giữ nước của dân tộc ta. Sau này nhà rông là nơi tập hợp dân làng để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong thời hoà bình.
Theo lời giải thích của các già làng Raglai (tuha), tiện cho việc luyện tập quân sự, tập trung các chiến binh Raglai để phòng thủ và chiến đấu chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài. Nhà dài tổ mẫu còn là nơi tiến hành các cuộc họp, các cuộc nghị sự của những người có vai vế trong dòng họ để quyết định các việc quan trọng liên quan đến ổn định trật tự và phát triển kinh tế của gia đình, của cộng đồng palơi. Chẳng hạn như việc dời palơi, dời nhà, sản xuất, chiến tranh, xử lý các vụ việc vi phạm luật tục... Đây cũng là nơi tiếp khách từ bên ngoài đến và khách luôn luôn được chủ nhân bố trí cho chổ ngủ ở gian chính, nơi trang trọng nhất nhà.

Trung tâm chỉ đạo sản xuất
Kiến trúc các kiểu nhà của các dân tộc ngoài là nơi tập trung con người tổ chức lễ nghi vòng đời quan trọng, mà còn là nơi tổ chức các lễ hội cộng đồng, tập quán dân tộc. Mà các lễ hội này, một số thể hiện sự hạn chế trong nhận thức và ảnh hưởng từ thiên nhiên khó khăn. Tuy nhiên, xu hướng chung, chính phủ khuyến khích tái tạo lại để phục hồi bản sắc các dân tộc.
Do sống trong một môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, trình độ sản xuất kém, nhận thức khoa học kỹ thuật còn hạn chế, vẫn làm ăn theo lối cũ, nên đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Gia rai nói riêng khó thoát khỏi tập quán và luật tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào nhận thức. Mỗi giai đoạn sản xuất trong một năm, họ đều tổ chức một số nghi thức ở nhà rông như lễ cầu mưa, lễ gieo hạt, lễ mừng lúa mới... Tuy vậy khi có được những kinh nghiệm sản xuất gì thì nhà rông là nơi họ tụ họp để truyền đạt cho nhau để mùa sau đạt năng suất cao hơn.
Về nghệ thuật biểu diễn, không gian của nhà dài tổ mẫu Raglai không chỉ trong nhà mà còn là không gian đằng trước, là nơi tiến hành một số sinh hoạt văn hóa chung sau mỗi cuộc lễ của gia đình. Trước sân nhà, trong các cuộc lễ lớn của mình, như lễ ăn đầu lúa mới (bơc kakìq), bỏ ma (vidhi atơu)... người Raglai vẫn làm các cây nêu trước nhà để tế lễ, múa mala và tổ chức các hoạt động văn hóa khác. Bên trong nhà, hàng đêm, bên bếp lửa bập bùng tiếng hát kể akhàt jucar của già làng kể cho con cháu nghe về những chàng trai cô gái Raglai tài giỏi, xinh đẹp luôn chiến đấu anh dũng để gìn giữ buôn làng; là nơi để các đôi trai gái tình tự bằng những làn điệu alơu, siri, ritu mượt mà thâu đêm suốt sáng...
Về nghệ thuật tạo hình, các nhà họa sỹ, nhà điêu khắc có thể tìm thấy ở nhà dài Raglai nhiều biểu tượng nghệ thuật vừa nguyên sơ vừa mang tính độc đáo. Đó là các hình vẽ, chạm khắc các loại chim thú, cỏ cây, mặt trăng, mặt trời, hình mặt người...tưởng chừng rất thô phác nhưng thật tinh tế, mang đậm tính nhân văn của chủ nhân là tộc người Raglai.
Hay có thể nói, bản thân các loại hình nhà ở khác nhau cũng đã là một bảo tàng sống của nghệ thuật tạo hình, kiến trúc độc đáo mà chỉ dân tộc đó mới có.
Trường học của nam thanh niên
Trong những ngày tháng nông nhàn các già làng, các ông bố thường đến nhà rông để truyền đạt nghề và kinh nghiệm chống chọi với thiên nhiên, dạy cho thanh niên những bài học về sản xuất để chúng theo bố mẹ lên rẫy trồng trọt, vào rừng săn bắn, dạy những điệu múa, dạy tấu cồng chiêng. Nhà rông là mái trường đào tạo thanh niên kỹ năng sống và gìn giữ truyền thống luật tục của cha ông.
Thanh thiếu niên khi đã đến tuổi trưởng thành mới được lên nhà rông, mang theo những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày đến tại nhà rông và ra vào một cách thoải mái, không bị ràng buộc bởi nghi thức nào, nhà rông đã thật sự là ngôi nhà của họ. Những thanh niên đến tuổi ngủ ở nhà rông mà không đến ngủ thì bị chế diễu, các cô gái chê cười vì chỉ có đàn bà, con gái, trẻ em mới ngủ ở nhà cùng cha mẹ. Ngủ ở nhà rông còn là trách nhiệm bảo vệ buôn làng.
Nhà dài Raglai thường là một gia đình lớn cư trú để đề phòng và tránh chuyện loạn luân có thể xảy ra giữa các thành viên nam nữ trong một gia đình; thứ hai là tạo điều kiện cho thanh niên trai tráng rèn luyện, học hỏi những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất để chuẩn bị cho việc lập gia đình.
Công trình Nhà dài Choro được địa phương đầu tư xây dựng với điểm khởi đầu, là nơi giúp đồng bào có không gian sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chơro, tô điểm thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Chủ trương xây dựng là nằm trong kế hoạch chăm lo, gìn giữ giá trị di sản văn hóa của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tính từ khi phát rẫy đến khi tuốt lúa, săn bắn hơn nửa năm, còn lại là thời gian người Gia rai nghỉ ngơi và tổ chức lễ hội. Lễ hội chủ yếu diễn ra ở nhà rông như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới. Cùng với lễ hội, dân làng tập trung đến nhà rông góp rượu góp thịt nghe kể chuyện H’mon, H’ri, những câu chuyện có thể diễn ra 3 đến 4 đêm. Ngoài ra, nhà rông còn là nơi các nghệ nhân, nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn và giao lưu nghệ thuật.
Nhà dài tổ mẫu của tộc người Giarai là nơi trú ngụ của thần linh chung cả đại gia đình, dòng họ. Từ cột cái cho đến bếp nấu ăn, từ các dụng cụ thường dùng trong gia đình đến tên nỏ đi săn bắn...nơi nào cũng có các yàc ngự  trị. Mái nhà là nơi giắt các gaituah- vật ở hồn người chết khi chưa làm lễ bỏ ma để tránh cho người chết lang thang không có nơi nương tựa. Đây chính là nơi tổ chức hầu hết các cuộc tế lễ của gia đình, trừ những cuộc lễ đối với cây trồng khi phát rẫy, tỉa giống được làm tại nương rẫy... nhưng khi thu hoạch lúa, ngô, khoai về hết thì cuộc lễ lớn nhất vòng đời cây trồng được làm trong nhà tổ mẫu. Nhà tổ mẫu là nơi linh thiêng, là biểu tượng cho quyền uy và sức mạnh của gia đình, dòng họ; là nơi cất giữ và trưng bày các linh khí như mala thần, chiêng thần, ché rượu thần và các đầu thú săn bắn được...
Nhà sàn người Thái trắng - "Táy khao" thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Những gia đình quý tộc Thái  xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và tám hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên "khau cút"trong nhà sàn của mình. Mà bên trong đó là biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, hoặc các hình tượng thiên nhiên gần gũi với cuộc sống của họ. Có thể nói khi bắt gặp hình "khau cút" trên nóc nhà sàn, là mỗi người Thái đen Tây Bắc lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản mường yêu dấu.
Những ngôi nhà dài cổ truyền vẫn in đậm trong tâm thức của bà con dân tộc Raglai, và đây cũng chính là sản phẩm văn hóa chứa đầy ắp giá trị văn hoá truyền thống của họ, thấm đẫm tính cố kết cộng đồng, tính nhân văn. Tư duy về số lẻ của cư dân có loại hình văn hoá gốc nông nghiệp thấm đẫm trong nhà dài tổ mẫu (bậc thang, lớp sàn nhà), tên gọi mỗi kết cấu của căn nhà, tên gọi của chính căn nhà. Mỗi người trong dòng họ cùng chung sức chung lòng gìn giữ vavuc sàc (cột cái) linh thiêng như cây cột buồm của con thuyền ngày nào họ vẫn còn lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới của khối cư dân Nam Đảo.
Có thể tìm thấy nhiều yếu tố và biểu tượng là hồi quang của nền văn hóa Đông Sơn, văn minh Sa Huỳnh còn lưu giữ  trong nhà dài Raglai. Trước hết là biểu tượng con thuyền. Theo người Raglai ở Khánh Sơn tỉnh Khánh Hòa cho biết, mái nhà truyền thống gọi là rugãq, họ xem mái nhà như thân của con thuyền úp chụp xuống. Theo ngôn ngữ Raglai, từ gãq còn có nghĩa là "băng qua, ngang qua, lội qua, xuyên qua"...tùy theo ngữ cảnh mà được hiểu các nghĩa khác nhau. Từ vị trí thuận lợi ở trên cao nhìn  xuống một palơi Raglai, chúng ta có thể hình dung như những chiếc thuyền dài đang lướt giữa sóng nước là rừng cây bạt ngàn
Nhà rông lưu trữ những bộ ché, chiêng cổ, thóc giống cho làng, những vũ khí, chiến tích săn bắn như ngà voi, da cọp và những vật thiêng liêng, nhằm nhắc nhở dân làng luôn bảo vệ làng, bảo vệ nhà rông và mong các thần linh phù hộ. Đồng bào Gia rai có quan niệm tín ngưỡng đa thần. Họ cho rằng nhà rông là nơi ngự trị của các yàng, nên việc tiến hành các nghi thức đều ở nhà rông, để họ có thể bày tỏ ước nguyện với các yàng. Nhà rông chính là nơi giao hòa giữa con người và thần linh.
Đối với đồng bào các dân tộc, kiến trúc đại diện đặc trưng cho nền văn hoá với những yếu tố đặc sắc của mình. Không chỉ thể hiện sự ứng phó đối với môi trường tự nhiên, như nhà sàn cao tránh thú dữ, hay nhà đất dày tránh cái lạnh, cái nóng. Mà nhà ở quan trọng hơn chính là nơi tập trung gia đình, rộng hơn là cộng đồng. Bản thân chúng đều có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống của họ. Là nơi giải quyết mọi việc liên quan đến các thành viên gia đình, cộng đồng hay công việc, sản xuất; nơi tổ chức các lễ nghi vòng đời, lễ hội dân tộc. Là nơi cha truyền con nối, nơi các câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời khác làm cho thêm tự hào dân tộc. Là nơi các thanh niên man nữ tụ tập, học hỏi, được đào tạo để trở thành những trụ cột sau này, người sẽ bảo vệ và gìn giữ văn hoá cộng đồng của họ.
Các kiểu nhà đặc trưng khác nhau đó chính là văn hoá, mang lại những ý nghĩa quan trọng, là kết quả đúc kết từ những quá trình, kinh nghiệm cư trú lâu dài của các đồng bào dân tộc khác nhau đó. Nhưng dù có khác nhau về hình thức, và các thức xây dựng, thì tất cả đều là sản phẩm của trí óc người Việt, cùng nhau hoà quyện tạo nên nét đặc trưng của dân tộc Việt, trong nền văn hoá đa đạng trong thống nhất của mình.

ps: phần này, mình quên trích nguồn. Mọi người thông cảm nhé. 
Đây chỉ là phần tham khảo. (Như mọi lần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét