Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Hai hướng phát triển từ triết lý âm dương khu vực Á Đông



Bắt nguồn từ nhận thức về xã hội, triết lý âm dương là sự khái quái về vũ trụ để giải thích những hiện tượng xung quanh của người Á Đông. Nguồn gốc của triết lý này được đặt trên ba giả thiết khác nhau, gồm được sang tạo bởi Phục Hy, bời phái âm dương gia và theo quan điểm Trần Ngọc Thêm từ dân gian khu vực phương nam.
Thời nhà Hán, theo Khổng An Quốc và Lưu Hâm cho rằng Phục Hy là người có công sáng tạo triết lý âm dương. Một số người khác cho rằng đó là công lao của "âm dương gia", một giáo phái của Trung Quốc. Tuy nhiên hai giả thuyết trên đều không có cơ sở khoa học vì Phục Hy là một nhân vật thần thoại, không có thực. Về phái âm dương gia được hình thành vào thế kỷ thứ 3, tức là sau Khổng Tử đến hai thế kỷ, mà vào thời Khổng Tử đã có Kinh Dịch, có âm dương bát quái. Điều này cho thấy phái âm dương gia chỉ vận dụng âm dương để giải thích địa lý - lịch sử và vận dụng ngũ hành để tạo ra “Ngũ đế đức”.
Hiện nay các nghiên cứu khoa học liên ngành của Việt Nam và Trung Quốc đã kết luận rằng "khái niệm âm dương có nguồn gốc phương Nam". ("Phương Nam" ở đây bao gồm vùng nam Trung Hoa, từ sông Dương Tử trở xuống và vùng Việt Nam) Những dẫn chứng cho kết luận này đã lý giải cho nhiều yếu tố khác nhau, như việc vật tổ cặp đôi (Rồng –Tiên) của người Việt cổ, trong khi người Hán chỉ có một là thần Nữ Oa vv….
Cư dân phương nam sinh sống bằng nông nghiệp nên quan tâm số một của họ là sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người. Sinh sản của con người thì do hai yếu tố: cha và mẹ, nữ và nam; còn sự sinh sôi nảy nở của hoa màu thì do đất và trời - "đất sinh, trời dưỡng". Chính vì thế mà hai cặp "mẹ-cha", "đất-trời" là sự khái quát đầu tiên trên con đường dẫn đến triết lý âm dương.
Về mặt ngôn ngữ học, "âm dương" là phát âm của yin yang trong tiếng Hán, nhưng chính tiếng Hán để chỉ khái niệm âm dương lại vay mượn từ các ngôn ngữ phương Nam trước đây. Từ yang (dương) trong tiếng Hoa được phiên âm từ yang (= trời, giàng) của các tiếng Đông Nam Á, còn yin (âm) thì có thể thấy là được phiên âm từ yana, ina (= mẹ) của các ngôn ngữ phương Nam. Cặp từ “mẹ-trời” không thuộc cùng một cặp đối lập, bởi vì truyền thống tư duy tổng hợp ¬ ghép “mẹ” với “trời” để tổng hợp được cả hai cặp “mẹ-cha” và “đất-trời” là hai quá trình sinh sản quan trọng nhất: sản sinh ra con người và sản sinh ra mùa màng. Cũng giống như là để tổng hợp được các quan hệ hành động có liên quan như quan hệ ông-cháu và cha-con (=ông con), cô-cháu và mẹ-con (=cô con), xem-diễn và nghe-hát (=xem hát).
Trong quá trình phát triển, triết lý này đã Trung Hoa tiếp nhận qua thời kỳ"Nam tiến", là thời kỳ mở rộng từ lưu vực sông Hoàng Hà (phía bắc) xuống phía nam sông Dương Tử. Trong quá trình nam tiến, người Hán đã tiếp thu triết lý âm dương của các cư dân phương nam, rồi phát triển, hệ thống hóa triết lý đó bằng khả năng phân tích của người du mục làm cho triết lý âm dương đạt đến hoàn thiện và mang ảnh hưởng của nó tác động trở lại cư dân phương nam.
Triết lý âm dương dù bắt nguồn từ đâu thì hiện tại đã trở thành một trong những sản phẩm và lý thuyết quan trọng trong văn hóa của mình. Việc xác định nguồn gốc triết lý này nhằm giúp làm sáng tỏ và giải thích thỏa đáng nhiều vấn đề có tính quy luật của hiện tại.
Dần dần ngoài cặp đối lập ban đầu, triết lý âm dương đã được cụ thể hóa sang nhiều cặp đối lập khác nhau giải thích cho những khái niệm trừu tượng, như cách đặt nó vào hệ thống để giải nghĩa cho chúng. Ví dụ như "lạnh-nóng", rồi cặp "lạnh-nóng" lại là cơ sở để suy tiếp như về phương hướng: "phương bắc" lạnh nên thuộc âm, "phương nam" nóng nên thuộc dương; về thời tiết: "mùa đông" lạnh nên thuộc âm, "mùa hè" nóng nên thuộc dương; về thời gian: "ban đêm" lạnh nên thuộc âm, "ban ngày" nóng nên thuộc dương. Nếu tiếp tục suy diễn nữa thì: đêm thì tối nên "tối" thuộc âm, ngày thì sáng nên "sáng" thuộc dương; tối có màu đen nên "màu đen" thuộc âm, ngày sáng thì nắng "đỏ" nên "màu đỏ" thuộc dương.
Tuy vậy, các cặp đối lập chưa phải là nội dung chính của triết lý âm dương. Triết lý âm dương không phải là triết lý về các cặp đối lập. Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có các phạm trù đối lập nhau (ngôn ngữ của tất cả các dân tộc đều có từ trái nghĩa). Điều quan trọng của triết lý âm dương chính ở bản chất và quan hệ của hai khái niệm âm dương. Đó chính là điều khác biệt triết lý âm dương với các triết lý khác. Đặc điểm của triết lý âm dương đều tuân theo hai quy luật cơ bản. Đó là quy luật về bản chất của các thành tố và quy luật về quan hệ giữa các thành tố.
Quy luật về bản chất của các thành tố
Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, và trong âm có dương, trong dương có âm.
Quy luật này cho thấy việc xác định một vật là âm hay dương chỉ là tương đối, nhưng lại rõ ràng. Mọi khái niệm thời gian đều có trước có sau; mọi vật thể không gian đều có trên dưới, trái phải, trong ngoài…tức là đã có âm dương. Trong vũ trụ không có sự vật, hiện tượng chứa cả bản chất âm lẫn dương, âm với dương tuy hai mà một, người xưa gọi đó là tình trạng “lưỡng nhất”. Chính bởi vì vật nào cũng chứa cả âm lẫn dương cho nên nếu muốn xác định xem một vật thiên về âm hay dương thì mới phải đặt nó trong quan hệ so sánh. Ví dụ về trong âm có dương: đất lạnh nên thuộc âm nhưng càng đi sâu xuống lòng đất thì càng nóng; về trong dương có âm: nắng nóng thuộc dương, nhưng nắng nhiều sẽ có mưa nhiều (hơi nước bay lên) làm nên mưa lạnh thuộc âm.
Muốn xác định được tính chất âm dương của một sự vật, hiện tượng thì trước hết phải xác định được đối tượng so sánh, sau đó phải xác định được cơ sở so sánh. Màu trắng so với màu đỏ thì là âm, nhưng so với màu đen thì là dương. Ví dụ, nước so với đất thì, về độ cứng thì nước là âm, đất là dương; nhưng về độ linh động thì nước là dương, đất là âm. Cũng có thể xác lập được mức độ âm dương cho nhiều hệ; ví dụ, về màu sắc thì đi từ âm đến dương ta có đen-trắng-xanh-vàng-đỏ (đất "đen" sinh ra mầm lá "trắng", lớn lên thì chuyển thành "xanh", lâu dần chuyển thành lá "vàng" và cuối cùng thành "đỏ").
Quy luật về quan hệ giữa các thành tố
Âm dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau, và âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.
Ngày và đêm, tối và sáng, mưa và nắng, nóng và lạnh,... luôn chuyển hóa cho nhau. Cây màu xanh từ đất "đen", sau khi lớn chín "vàng" rồi hóa "đỏ" và cuối cùng lại rụng xuống và thối rữa để trở lại màu "đen" của đất. Từ nước lạnh (âm) nếu được đun nóng đến cùng cực thì bốc hơi lên trời (thành dương), và ngược lại, nếu được làm lạnh đến cùng cực thì nó sẽ thành nước đá (thành âm).
Ứng với hai quy luật trên được cho là hai qui luật trong logic học, đại diện cho cách tư duy tây phương. Đó là quy luật về bản chất của thành tố - luật đồng nhất, và quy luật về quan hệ giữa các thành tố - luật lý do đầy đủ mà hệ quả của nó là luật nhân quả.
Luật đồng nhất (bản chất A = A) chỉ đúng khi sự vật và hiện tượng đứng yên, mà điều này thì không biện chứng vì sự vật và hiện tượng luôn vận động (đổi mới), mà nếu vận động thì nó không thể đồng nhất với chính nó được nữa. Trong khi đó, quy luật về bản chất của triết lý âm dương là trong âm có dương, trong dương có âm, tức là trong A đã có B rồi. Luật lý do đầy đủ xác lập nên luật nhân quả cũng chỉ xem xét sự vật và hiện tượng trong sự cô lập, không liên hệ với môi trường xung quanh, trong khi trên thực tế, sự vật và hiện tượng tồn tại trong không gian và quan hệ với các sự vật và hiện tượng khác.. Quan hệ nhân quả cũng chỉ xác định được trong sự cô lập một mảnh của hiện thực ra khỏi mối quan hệ với môi trường xung quanh; nhưng điều này thì phi tổng hợp: sự thực, vật chất luôn tồn tại trong không gian, mà đã nằm trong quan hệ không gian nhiều chiều thì khái niệm nhân quả trở thành tương đối (một sự vật, hiện tượng có thể là “nhân” của cái này nhưng sẽ là “quả” của cái khác, không khi nào có thể xác định được cái khởi đầu tuyệt đối và cái tận cùng tuyệt đối). Trong khi đó thì theo luật về quan hệ giữa các thành tố của triết lý âm dương, âm phát triển đến cùng cực thì chuyển hóa thành dương, âm dương chuyển hóa bất tận, vô thủy (không có bắt đầu) vô chung (không có kết thúc).
Hai quy luật của lôgíc học là sản phẩm của lối tư duy phân tích, chú trọng đến các yếu tố biệt lập của văn hóa du mục; trong khi quy luật của triết lý âm dương là điển hình của tư duy tổng hợp, chú trọng đến các quan hệ của văn hóa nông nghiệp.
Tất cả các quy luật trên được thể hiện đầy đủ trong biểu tượng âm dương với hình tròn được vẽ bởi hai màu trắng đen/ đỏ đen/ đỏ xanh, lồng vào nhau, giữa chúng lại có một vòng tròn của màu còn lại. Tuy nhiên biểu tượng này, là sơ đồ không đầy đủ của triết lý âm dương, chứ không phải là bản thân triết lý âm dương. Thực tế, triết lý âm dương là sự khái quát hóa vận động có quy luật của vạn vật, một sự vận động liên tục, không ngừng nghỉ, không bao giờ lặp lại hoàn toàn: Nóng chuyển thành lạnh, lạnh chuyển thành nóng, nhưng cái nóng năm nay khác hẳn cái nóng năm qua. Người Việt xưa đã nhận xét rất đúng rằng Có dại mới nên khôn để rồi lại Hết khôn dồn đến dại; quanh đi quẩn lại chỉ có “dại” với ‘khôn” nhưng không phải là một vòng tròn khép kín không lối thoát. Bởi Không cái dại nào giống cái dại nào. Biểu tượng âm dương chỉ nói lên được tính quy luật của sự vận động âm dương chuyển hóa (cái tương đồng) mà không phản ánh được sự dị biệt của nó.
Sự phát triển của biểu tượng này đến khái niệm hào âm, hào dương được cho là từ cặp "mẹ-cha" (nữ-nam, cái-đực). Giống cái có khả năng mang thai (tuy một mà hai), nên về loại số, thì số "chẵn" thuộc âm; giống đực không có khả năng ấy, một là một, nên số "lẻ" thuộc dương. Điều này giải thích tại sao hào dương là một vạch dài (|), còn hào âm là hai vạch ngắn (:).
Triết lý âm dương là cơ sở để xây dựng lên hai hệ thống triết lý khác đó là hệ thống "tam tài, ngũ hành" và "tứ tượng, bát quái", cũng là hai hướng phát triển khác nhau trong quá trình phát triển của triết lý này, tạo nên tính dân tộc của triết lý. Xét riêng ở phương Đông thì từ bắc xuống nam, phía bắc Trung Quốc nặng về phân tích hơn tổng hợp, còn phía nam thì ngược lại, nặng về tổng hợp hơn phân tích. Triết lý âm dương bắt nguồn từ phương Nam, nhưng đối với các dân tộc Đông Nam Á, do tính phân tích yếu nên họ chỉ lại ở tư duy âm dương sơ khai mang tính tổng hợp. Trong khi đó khối Bách Việt đã phát triển và hoàn thiện nó. Tổ tiên người Hán cũng vậy, sau khi tiếp thu triết lý âm dương sơ khai, họ cũng phát triển nó nhưng do năng lực phân tích của họ mạnh hơn năng lực phân tích của người Bách Việt mà từ triết lý âm dương ban đầu, người Bách Việt và người Hán đã xây dựng nên hai hệ thống triết lý khác nhau.
Ở phương Nam, với lối tư duy mạnh về tổng hợp, người Bách Việt đã tạo ra mô hình vũ trụ với số lượng thành tố lẻ (dương): hai sinh ba (tam tài), ba sinh năm (ngũ hành). Chính vì thế mà Lão Tử, một nhà triết học của nước Sở (thuộc phương Nam) lại cho rằng: "nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật". Tư duy số lẻ là một trong những nét đặc thù của phương Nam. Trong rất nhiều thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, các số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9 xuất hiện rất nhiều. Ví dụ: "ba mặt một lời"; "ba vợ, bảy nàng hầu"; "tam sao, thất bản"...
Ở phương Bắc, với lối tư duy mạnh về phân tích, người Hán đã gọi âm dương là lưỡng nghi, và bằng cách phân đôi thuần túy mà sinh ra mô hình vũ trụ chặt chẽ với số lượng thành tố chẵn (âm). Chính vì vậy Kinh Dịch trình bày sự hình thành vũ trụ như sau: "lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái biến hóa vô cùng" (hai sinh bốn, bốn sinh tám). Người phương Bắc thích dùng số chẵn; ví dụ, "tứ đại", "tứ mã", "tứ trụ",... Lối tư duy như vậy, hoàn toàn không có chỗ cho ngũ hành - điều này cho thấy, quan niệm cho rằng "âm dương - ngũ hành - bát quái" chỉ là sản phẩm của người Hán có lẽ là một sai lầm.
Thuyết ngũ hành về căn bản cũng là một cách biểu thị luật mâu thuẫn đã giới thiệu trong thuyết âm dương, nhưng bổ xung và làm cho thuyết âm dương hoàn bị hơn, để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật. Ngũ hành xây dựng là mô hình 5 yếu tố về cấu trúc không gian vũ trụ, cho thấy rõ nguồn gốc nông nghiệp của Ngũ hành, khi đặt hành Thổ làm trung tâm với ngụ ý xem đất là tài nguyên quan trong nhất. Được sinh ra từ tư duy số lẻ, đặc thù của người nông nghiệp phương Nam, phát triển qua thuyết tam tài tạo nên 2 bộ ba: kim – mộc – thổ và thủy – hỏa – thồ, thuyết ngũ hành đã vận dụng tự nhiên một cách triệt để trong bản thân mình.
Ngũ hành là : Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Người xưa cho rằng mọi vật trong vũ trụ đều chỉ cho 5 chất phối hợp nhau mà tạo nên. Theo tính chất thì thuỷ là lỏng, là nước thì đi xuống, thấm xuống. Hoả là lửa thì bùng cháy, bốc lên. Mộc là gỗ, là cây thì mọc lên cong hay thẳng. Kim là kim loại, thuận chiều hay đổi thay. Thổ là đất thì để trồng trọt, gây giống được.
Về mặt ngôn ngữ, chữ Ngũ thường chỉ hiểu là số 5 hoặc là thứ Năm, nhưng đó mới là lối hiểu thông thường. Còn một nghĩa nữa sâu hơn chỉ Thiên Địa. Lúc đó 5 là số thành của 3+2 tức là "tham thiên lưỡng địa" 3 Trời, 2 Đất. Hiểu như thế mới đúng với Đạo Âm Dương một lẻ một chẵn, một Đất một Trời, có ra mà cũng có vô. Do đó 5 được dùng làm số trung tâm bao hàm ý Tiềm Thể Tâm Linh.
Hành là đi, đi là ra nên phải có hướng có nơi tìm về (phản phục). Đi ra phải hướng về trung tâm. Trung tâm là Tròn là Trụ, còn đi ra là Vuông là Vũ; hiểu như thế mới đúng lược đồ căn cơ hai chữ vũ trụ của quan niệm thời gian uyên nguyên, tức là ý thức tầm quan trọng của Thổ. Có hiểu được tầm quan trọng của Thổ mới nắm được then chốt; nếu không sẽ gây lộn xộn, đánh mất yếu tố căn cơ như thường thấy.
Học thuyết Ngũ hành diễn giải sự sinh hoá của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản còn gọi là tương sinh và tương khắc trong mối tương tác và quan hệ của chúng. Trong mối quan hệ Sinh thì Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Trong mối quan hệ Khắc thì Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc. Như vậy tương sinh, tương khắc, tương thừa, tương vũ kết hợp thành hệ chế hoá, biểu thị mọi sự biến hóa phức tạp của sự vật.
Luật tương sinh: Tương sinh có nghĩa là giúp đỡ nhau để phát triển. Đem ngũ hành liên hệ với nhau thì thấy 5 hành có quan hệ xúc tiến lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau. Trong luật tương sinh của ngũ hành còn bao hàm ý nữa là hành nào cũng có quan hệ trên hai phương diện: Cái sinh ra nó và cái nó sinh ra, ứng dụng vào y học còn gọi là mẫu và tử.
Luật tương khắc: Tương khắc có nghĩa là áp chế lẫn nhau. Sự tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng, nhưng nếu tương khắc thái quá thì làm cho sự biến hóa trở thành bất thường. Trong tương khắc, mỗi hành cũng lại có hai mối quan hệ: Cái khắc nó và cái nó khắc. Từ quy luật tương khắc, bàn rộng thêm ta có tương thừa (nghĩa là khắc quá đỗi) và tương vũ (nghĩa là khắc không nổi mà bị phản phục lại).
Luật chế hóa: Chế hoá là chế ức và sinh hoá phối hợp với nhau. Trong chế hoá bao gồm cả hiện tượng tương sinh và tương khắc. Hai hiện tượng này gắn liền với nhau.
Hiện tượng tương sinh, tương khắc không tồn tại độc lập với nhau. Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc. Do đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển.
Thuyết ngũ hành không phải là 5 yếu tố mà chính xác là 5 loại vận động, quan hệ với tính khái quát rất cao: Thủy, hỏa… không chỉ và không nhất thiết là “nước”, “lửa” mà còn là rất nhiều thứ khác”. Do tính trừu tượng và khái quát cao ấy, muốn giải thích các quan hệ ngũ hành sinh khắc cho dễ hiểu thì xưa nay, từ các sách tử vi nhập môn cho đến các từ điển triết học đều vẫn phải dùng các ví dụ trực quan kiểu “nước dập tắt lửa” cả; tuy nhiên chúng tôi đã luôn nói rõ rằng đó chỉ là ví dụ mà thôi, bởi lẽ thủy, hỏa… không chỉ và không nhất thiết là “nước”, “lửa” mà còn là rất nhiều thứ khác.
Từ sơ đồ đến thực tế còn phải bổ sung thêm các sơ đồ khác, thêm chất liệu, thêm sự vận dụng… Giữa sơ đồ mang tính nguyên lý “thủy khắc hỏa” với thực tế “nước gáo lửa xe” (trường hợp nước ít, lửa nhiều, nước không dập tắt được lửa) là vấn đề vận dụng, là hậu quả sự tác động của quy luật chuyển hóa giữa lượng và chất.
Năm nguyên tố và các nguyên lý cơ bản của Ngũ hành cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của người Trung Hoa từ thời cổ đại đến nay trong nhiều lĩnh vực như hôn nhân và gia đình, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, y học cổ truyền, quân sự v.v. Ngũ hành được ứng dụng vào Kinh Dịch, có từ thời kỳ nhà Chu (thế kỷ 12 TCN đến năm 256 TCN), một cuốn sách được coi là tác phẩm vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa về triết học.

Từ triết lý âm dương theo hướng gọi âm dương là lượng nghi, và bằng phép phân đôi thuần túy đã tạo nên mô hình vũ trụ chặt chẽ với số thành tố chẵn. Như 2 sinh 4 (tứ tượng), 4 sinh 8 (bát quái), 8 sinh 64 ( tứ thập lục quái đồ) , mà cách tư duy này khác với tư duy người làm nông nghiệp phương Nam thích dùng số lẻ, trong khi đó qua thống kê cho thấy người phương Bắc lại ưa dùng số chẵn này. Như tứ đức, tứ hải, tứ trụ, tứ thư, lục bộ, bát âm, bát bửu, bát tiên…
Bát quái (zh: 八卦, bính âm: Bagua; Wade-Giles: pakua; Peh-oe-ji: pat-Koa, nghĩa là "tám biểu tượng") là 8 quẻ được sử dụng trong vũ trụ học Đạo giáo như là đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ, được xem như là một chuỗi tám khái niệm có liên quan với nhau. Mỗi quẻ gồm ba hàng, mỗi hàng là nét rời (hào âm) hoặc nét liền (hào dương), tương ứng đại diện cho âm hoặc dương.
Bát quái có liên hệ đến triết học thái cực và ngũ hành. Các mối quan hệ giữa các quẻ được thể hiện trong hai đồ hình là Tiên Thiên Bát Quái hay còn gọi là Phục Hy bát quái, và Hậu Thiên Bát Quái  hay còn gọi là Văn Vương bát quái. Bát quái được ứng dụng trong thiên văn học, chiêm tinh học, địa lý, phong thủy, giải phẫu học, gia đình, và những lĩnh vực khác. Bát quái Tiên thiên là loại hình phát triển từ triết lý âm dương biểu diễn con đường từ thái dương đến thái âm, qua miêu tả bằng các hào âm và hào dương chồng lên nhau. Trong khi đó bát quái Hậu thiên mang tính chủ quan tự biên hơn, lấy hướng Tây Bắc làm trời, theo qui luật do con người tự đặt nên. Bát quái Hậu thiên cũng là loại bát quái được sử dụng trong Kinh Dịch, nền tảng của các triết lý bát quái Trung Hoa.
Kinh Dịch của Trung Quốc cổ đại có 64 quẻ được tạo ra từ cách bắt cặp 8 quẻ của bát quái, và có những lời bình giải cho từng quẻ này. Bát quái trong Kinh Dịch được giải thích có thể hình thành từ 2 nguồn. Đầu tiên là từ triết lý âm dương. Những mối tương quan trong triết lý này được cho là của Phục Hy. Vô cực sanh hữu cực, hữu cực thị thái cực - Thái Cực sanh lưỡng nghi, tức âm dương - Lưỡng nghi sanh tứ tượng: tức thiếu âm, thái âm, thiếu dương, thái dương -Tứ tượng diễn bát quái, bát bát lục thập tứ quái. Nguồn thứ 2 là từ Văn Vương nhà Chu: "Khi thế giới bắt đầu, đã có trời và đất. Trời phối hợp với đất sinh ra tất cả mọi thứ trong thế giới. Trời là quẻ Càn và đất là Khôn. Sáu quẻ còn lại là con trai và con gái của họ." Tuy nhiên, cũng như triết lý âm dương, không có cơ sở chứng minh Phục Hy là một nhân vật có thật, nên nguồn gốc của Bát quái được xem là do Chu Văn Vương sáng tạo nên.
Bát quái có liên quan đến ngũ hành thông qua các quẻ, được các nhà phong thủy và y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng. Cụ thể quái khảm (nước) và quái ly (lửa) tương ứng trực tiếp với hành thủy và hành hỏa. Hành thổ tương ứng với quái Khôn (địa) và Cấn (núi). Hành mộc tương ứng với quái Tốn (gió) và Chấn (sấm). Hành kim tương ứng với quái càn (trời) và đoài (đầm).
Lục Thập Tứ Quái Đồ được hình thành nhờ vào 64 quái (quẻ). Sáu mươi bốn quẻ này có được là nhờ vào sự kết hợp của các quẻ đơn với nhau mà thành. Trong Trùng quái (quẻ kép), luận về Tam Tài thì mỗi tài lúc này là hai vạch. Tài Địa là hào 1 và hào 2, tài Nhân là hào 3, hào 4 cuối cùng tài Thiên là hào 5, hào 6. Mỗi tài 2 hào, mỗi hào hai thể hoặc âm hoặc dương. Bên cạnh đó, riêng với trùng quái, còn có khái niệm nội quái và ngoại quái. Nội quái là một đơn quái nằm bên dưới của ngoại quái. Ngoại quái là một đơn quái khác nằm bên trên nội quái. Cả nội quái hay ngoại quái đều là thành tố trong một chỉnh thể và có những ảnh hưởng, tác động lẫn nhau để dẫn đến tính chất của một quẻ. Sáu mươi bốn trùng quái này cũng có 2 sự kết hợp theo 2 trình tự khác nhau mà tạo nên Lục Thập Tứ Quái Đồ theo đức Phục Hy, gọi là Phụ Hy Lục Thập Tứ Quái Đồ và Lục Thập Tứ Quái Đồ theo đức Văn Vương, gọi là Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Đồ.
Nếu Bát Quái Đồ là hình đồ phản ánh quy luật vận động của đạo tự nhiên thì Lục Thập Tứ Quái Đồ là hai đồ hình phản ánh quy luật vận động của đạo trong nhân sinh. Mỗi quẻ trong Lục Thập Tứ Quái là tượng trưng cho một tính chất của nhân sinh. Ví dụ như sau quẻ Càn là quẻ Quải, tức Trạch Thiên Quải. Quẻ này tượng cho hình ảnh nước vượt lên cao quá trời, ý nói có sức quyết liệt, nổ lực vô cùng. Sự vận hành của 64 quẻ trong Văn Vương Lục Thập Tứ Quái Đồ theo một trình tự của nhân sinh, một trình tự của phức tạp, đa nguyên và biến hóa khôn lường của cõi nhị nguyên.


Giống nhau
Xem vũ trụ là một thể thống nhất, một thái cực là đặc điểm chung của nhận thức Đông phương. Và nguồn góc trực tiếp từ triết lý âm dương với hai tính chất tương sinh tương khắc.
Ngũ hành và bát quái đều dựa trên những cặp đối lập, như thủy – hỏa, mộc – kim trong ngũ hành, và càn  - khôn, khảm – ly trong Bát quái, để giải thích bản thể của vũ trụ và vạn vật, coi thế giới là nhất nguyên nhất thể.
Được sáng tạo nên nhờ quan sát tự nhiên, đi qua con đường phân tích hoặc tổng hợp. Mà không phải Ngũ hành chỉ là hệ thống khái quái từ tự nhiên và Bát quái là khái niệm được nhân tạo để nhận thức về thế giới.
Dù 5 hay 8 nguyên tố, ý nghĩa của Ngũ hành và Bát quái để để giải thích, nhận thức về vũ trụ và vạn vật, xem thế giới là một thể thống nhất. Nhưng bằng cách diễn dịch khác nhau, mô tả thế giới đã biến hóa, được phức tạp hóa thành 5 phần, 8 phần.
Ngoài phân tích, giải nghĩa hiện tượng sự vật, cả hai được dùng trong nhiều lĩnh vực, nổi bật gồm: kiến trúc, y học, ẩm thực, võ thuật…
Khác nhau

Âm dương ngũ hành
Bát quái (bát quái hậu thiên)
Nguyên tố
5 nguyên tố gồm: thủy, hỏa, mộc, kim, thổ
8 nguyên tố, gồm: càn, khôn, chấn, cấn, đoài, ly, khảm, tốn.
Trung tâm
Hành thổ, điều hòa cà cai quản
Nghĩa là lấy đất làm nông nghiệp làm trung tâm, coi trọng nguồn gốc nông nghiệp phương Nam.
Không có trung tâm
Dân gian và Kinh Dịch lấy biểu tượng âm dương làm trung tâm, chỉ miêu tả nguổn gốc.
Nghĩa là lấy vũ trụ rộng lớn làm trung tâm, cái sinh ra bát quái.
Cặp đối
(tính tương đối)
Thủy khắc hỏa
Kim khắc mộc
Càn đối khôn
Khảm đối ly
Nguồn gốc
Lối tư duy tổng hợp
Tư duy số lẻ
Quan điểm tam tài : thủy - hỏa - thổ và kim - mộc - thổ
Lối tư duy phân tích
Tư duy số chẵn ( nhị nguyên)
Quan điểm lưỡng nghi: trời - đất 
Phương hướng
 
Thủy - phương Bắc
Hỏa - phương Nam
Mộc - phương Đông
Kim - phương Tây
Thổ - trung tâm
Khảm - phương Bắc
Ly - phương Nam
Chấn - phương Đông
Đoài - phương Tây

Do nguồn gốc và các biểu hiện cơ bản của Ngũ hành và Bát quái khác nhau, nên các biểu hiện khác của hai lý thuyết đều khác nhau, dù cho giữa chúng có mối liên hệ với nhau. Một số yếu tố lồng ghép vào nhau, như hành Mộc ứng với Tốn, Chấn; hành Thổ ứng với Khôn, Cấn; hành Kim ứng với Càn, Đoài, hành Thủy ứng với Khảm và hành Hỏa ứng với Ly, và nhiều biểu hiện khác… 

KẾT LUẬN


Triết lý âm dương bản thân đã là một trong những triết lý quan trọng của người Á Đông, hàm chứa nhiều giá trị không chỉ về lý luận mà cả về ý nghĩa thực tiễn. Từ triết lý âm dương, sản phẩm chung của người Á Đông, nhằm giải thích về vũ trụ quan, cách vận hành của vũ trụ và vạn vật, dựa vào những điều kiện khác nhau, những dân tộc khác nhau mà tiếp tục được phát triển trở thành những lý thuyết nền tảng của các nền văn hóa đó. Mỗi một quốc gia có cách giải thích, có cách vận hành và ứng dụng lý thuyết này theo một cách khác nhau, mang lại ý nghĩa riêng. Điều này thậm chí còn thể hiện chiều rộng và chiều sâu của một nền văn hóa.
Hai hướng phát triển dựa trên hai luồng tư duy khác nhau đã tạo nên thuyết âm dương ngũ hành và thuyết bát quái âm dương, đã chứng minh rõ ràng cho sự độc đáo của các nền văn hóa cùng tiếp thu một triết lý, mà vẫn sáng tạo nên những đặc trưng cho mình. Và việc vận dụng chúng trong đời sống lại là cả một chuỗi các câu chuyện dài khác, mà thông qua đó chắc chắn sẽ càng thấy sự huyền diệu, độc đáo của từng dân tộc khác nhau, cụ thể là Việt Nam và Trung Quốc.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, VN
2.      Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt nam, nxb giáo dục, 1999.
4.      Wikimedia: Âm Dương, Ngũ hành, Bát quái
5.      Nguhanh.org – tìm hiểu về âm dương ngũ hành
http://longnguyenthanh.wordpress.com - từ bái quái đồ đến lục thập tứ quái đồ
....................................................................................................................................
Nhận định cá nhân: Triết lý âm dương hiện nay chủ đạo được xem là có nguồn gốc từ phương Nam (trong đó có khu vực tộc người Việt sinh sống). Nhưng dựa vào những điều kiện khác nhau mà phát triển thành các hướng khác nhau. Đầu tiên là điều kiện về tự nhiên (từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng), sau đó và quan trọng hơn là điều kiện xã hội - văn hóa (trực tiếp - gián tiếp giáo dục con người). Từ đó mà tạo nên cách sử dụng khác nhau. 
Tuy vậy, vẫn phải xác định rõ hai điều. Thứ nhất, Trung Hoa đã có công hết sức lớn là hệ thống và ghi chép toàn bộ sản phẩm đó. Thứ hai, không chỉ tiếp thu mà người Hoa Hạ đã sáng tạo và tiếp biến tư tưởng này hình thành nên bát quái, Kinh Dịch và các sản phẩm đi kèm khác, sau phát triển triết lý này vô cùng hiệu quả, thậm chí truyền bá sang các nước khu vực trong đó có Việt Nam.  
...................................................................................................................................
Cuối cùng, nhân dịp năm mới 2015, xin kính chúc các bạn một năm mới an khang thịnh vượng. 
Và tuy sắp ra trường  ĐHKHXH&NV TPHCM - khoa Văn hóa học, Tyara vẫn sẽ cố gắng tiếp tục viết về chuyên ngành Văn hóa học. Cám ơn các bạn đã theo dõi.